Bố

Jan,03,2024 07:42:13

Người đàn ông đã gánh cả tuổi thơ con, đã cứu con một mạng từ quỷ môn quan, con làm sao trả hết bố những ân đức này.

Gửi bố của con!

Con là một trong hai vịt giời của bố, là cái đứa vịt giời trời đánh, hư, hỗn, “báo” bố từ bé đến khi trưởng thành. Là con gái đầu lòng, gái “rượu” trong nhà, ấy vậy mà dường như con đến đòi bố món nợ nào đó thì đúng hơn. Bố chẳng bảo thế đâu. Nhưng con đã luôn nghĩ như thế bố ạ.

Ấu thơ con không biết thế nào là giàu, là nghèo. Con chỉ nhớ mãi tấm lưng bố thật rộng, đôi chân bố thật khỏe, bàn tay bố thật vững chắc vì làm xây cho nhà người ta nên phải thế bố nhỉ! Nhưng có lẽ sự thật là vì bố phải đèo đưa cả một đại gia đình theo đúng nghĩa đen.

Cả nhà mình ba người chỉ có một phương tiện di chuyển là chiếc xe đạp mini màu đỏ. Bố ra sức đạp trên con đường năm, sáu cây số trên quốc lộ Năm, rồi vượt dốc, băng đò để sang nhà bà ngoại mỗi dịp lễ Tết.

Bố cứ dãi nắng, dầm mưa và bon bon trên đường mà không một lời kêu than. Thế mà giờ đây, con gái rượu của người đàn ông đạp xe năm xưa lại chẳng đi nổi một cây số bằng xe đạp. Xưa kia bố có phép phải không bố? Chứ bây giờ con đạp xe mỏi chân lắm bố ạ!

Bố

Ảnh minh họa.

Kiếp con nhà nông nghèo khó, đông anh em đã khiến bố nhìn về những nhà máy như một nơi đổi đời. Trên cung đường sang bà ngoại có một nhà máy sản xuất bim bim và con thì chẳng quan tâm điều gì ngoại trừ mùi bim bim thơm nồng nàn bay theo gió đồng. Chỉ có bố với đôi chân lóc cóc đạp xe bảo rằng: “Mai này bố xin cho Trang làm một chân công nhân trong nhà máy. Có thế con mới đỡ khổ giống bố”. Nhưng chắc bố cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng, chỉ vài ba năm sau, nhà máy ấy chính thức không còn. Và cô con gái ngô nghê trên chiếc xe đạp năm xưa đã không theo kiếp công nhân để thoát khổ như bố nghĩ.

Bố và xe đạp của những năm tháng sau này đã cùng con đi viện, đi khám bệnh liên miên chứ không còn “du sơn ngoạn thủy” qua những cánh đồng. Căn bệnh hen đến với con đã lấy đi bao mồ hôi của bố. Tám, chín tuổi, con đã đủ lớn để biết người đàn ông đang hoảng hốt, đang gắt ầm lên với y tá: “Cô biết con tôi sắp chết không!” thương mình đến thế nào. Bố không đi làm được, bố túc trực và theo chân con đến từng bệnh viện to, nhỏ khắp miền Bắc.

Vài ba tuần một lần, khi thì cấp cứu, khi thì nguy kịch, con đã không thể tưởng tượng được sự bế tắc đến cùng cực của bố khi đó. Không một đồng tiền dính túi, vay nợ liên miên và tóc bố thì cứ bạc dần. Những người hàng xóm, những chú bác quanh làng bắt đầu gọi bố bằng cái tên “Trung già”. Với người khác, đó là một lời trêu đùa vui miệng. Nhưng con đau lòng bố ạ. Bởi, những sợi tóc bạc đi vì năm tháng ấy chính là biểu hiện của tình yêu thương và đức hi sinh vô bờ.

Con đã khiến người đàn ông ba mấy tuổi đầu mà vẫn phải lóc cóc đạp xe vì nghèo chồng nghèo, vất vả chồng vất vả. Người đàn ông đã gánh cả tuổi thơ con, đã cứu con một mạng từ quỷ môn quan, con làm sao trả hết bố những ân đức này!

Con của hiện tại đã có sức khỏe ổn hơn, bố của con đã bớt lo một chút vì cô con gái lì lợm đã đủ kiên cường và biết tự nuôi sống mình. Nhưng con vẫn biết bố phải hi sinh cho con, phải nhường nhịn con, phải tiếp tục lèo lái “những chiếc xe” để mong con có cuộc đời sung túc.

Sau mấy chục năm, nhà mình đã có thêm xe máy, một chiếc xe Wave “bờ - ra -xin” mua lại từ nhà chị gái của bố. Bố bảo, xe bền lắm Trang, con mang lên Hà Nội mà đi làm. Con tung tăng mang xe đi và để lại cho bố là con xe cub cà tàng con đã đi học suốt ba năm phổ thông. Bố vẫn luôn muốn dành cho con những gì tốt nhất, cả khi âm thầm và công khai như thế.

Vậy mà khi có phương tiện đi lại rồi, con lại chê bai xe Wave thế này thế nọ, xe kêu inh ỏi cả nhà, màu xe cũ kĩ,... Rồi con bắt đầu học đòi, con vòi vĩnh bố rằng không ai người ta còn đi xe này cả, bố có thấy bác này, chị nọ đi xe ga không. Con nói vậy không vì chê trách bố. Con chỉ trêu chọc bố, kiểu sướng miệng mà quên rằng bố cũng sẽ tổn thương. Mẹ bảo con: “Hè này nóng nắng thế mà bố mày chẳng nghỉ buổi nào! Bảo, phải cố thêm để mua cho cái xe để mày không xấu hổ”. Con nghẹn lại khi ý thức được lời trêu đùa của mình làm bố phải bận tâm.

Gần hai chục năm trời, nhà mình đã khác nhiều bố ạ. Một chiếc xe đạp, một chiếc xe máy, rồi nhà mình cũng đã có như nhà người. Và đôi vai bố chẳng cần phải gồng gánh để phải nâng cấp thêm một chiếc xe nào nữa cho con. Con có xe của bố cho, đường con đi đã hạnh phúc lắm rồi.

Hơn năm mươi tuổi, bố vẫn cần mẫn “đạp xe” để con lớn lên khỏe mạnh, đủ đầy hơn ngày hôm qua. Hơn hai mươi tuổi, con vẫn là con nhóc mè nheo sau tấm lưng của bố. Bố ơi, con vẫn ngồi sau chiếc xe. Nhưng, hãy để con được đạp xe phụ bộ hôm nay và thay bố đạp xe trong tương lai bố nhé!

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"Tác giả: Nguyễn Thị Thu TrangĐịa chỉ: số 3, ngõ 94 Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Ban tổ chức

By: Nguồn giadinhonline.vn

Bố - Đời Sống