Giọng của phố: Trong tịch lặng lắng nghe

Jun,08,2023 11:03:40

Sau 'Mặt của đàn ông' (2008), 'Đàn bà uống rượu' (2010) và 'Con giai phố cổ' (2013), mới đây nhà văn Nguyễn Việt Hà đã trở lại với tập tạp văn 'Giọng của phố'. Vẫn đó là sự hóm hỉnh đôi khi bông đùa, ẩn sau 62 mẩu chuyện vui buồn với đời trần thế cũng là những suy nghĩ riêng về thời đại, quá khứ và niềm tin 'Hà Nội tính' không bao giờ mất.

 

Gồm ba phần chính Ký ức ở phố, Hoang đường ở phố Mất ngủ ở phố, Nguyễn Việt Hà dẫn người đọc qua nhiều dạng thể và những cảm xúc. Như ông từng viết trong các câu chuyện, lịch sử là vòng trôn ốc mà nhánh to hơn lại bắt nguồn từ vòng nhỏ hơn. Có thể khác nhau về mặt kích thước nhưng cốt lõi vẫn được giữ nguyên bởi đều đi từ “Hà Nội tính” - một giọng của phố quyến rũ đưa hương, và nằm lại mãi trong tâm thức người.

Ký ức ở phố

Dường như đã thành “thói quen” có phần “khó bỏ” của văn học phố, tác phẩm nào thuộc dòng chảy này cũng dành không ít thì nhiều vọng về quá khứ. Với Nguyễn Việt Hà, ta không chỉ thấy điều ấy loáng thoáng như mùi hoàng lan thoảng hoặc đưa hương từ các biệt phủ, mà nó cũng thật mạnh mẽ và là trường tồn như mùi thơm nâu của mái ngói âm dương nằm vui với trời.

Ở thị thành ấy, vỉa hè đã trở thành nơi tạo ra ký ức và những con người mang “Hà Nội tính”. Tác giả lặng lẽ nhớ về những ngày xa xưa với bóng đá “phủi” được đấu trên phố, mà chính “hồn phố khoáng đạt” đã tạo nên nét khéo léo cũng như tinh quái cho những đứa trẻ rồi sẽ trở thành những danh thủ lớn. Vỉa hè cũng là “máu thịt” của người Hà Nội trong giai đoạn cũ.

Trong Con giai phố cổ, Nguyễn Việt Hà cũng từng nhắc đến chốn “địa linh” này với những nhân vật được gọi chung là “cao bồi già”. Nó cũng là nơi mọi người gặp nhau, để trong cái thanh lịch, sang trọng của người kinh kỳ, chứa đựng những bông lơn có phần bỗ bã đến từ chợ búa, từ đó tác giả dường như cũng đã sở hữu và biến nó thành “xảo thuật” của riêng mình.

Giọng của phố: Trong tịch lặng lắng nghe

Nhà văn Nguyễn Việt Hà được biết đến là một người Hà Nội viết về Hà Nội với một giọng văn riêng, đặc sắc. Ảnh: Thu Hòa

Ký ức còn được tiếp nối với những đặc trưng giờ đã mất. Đó là cái chậm rãi của thời bao cấp với lễ nghi cưới hỏi, với những sạp báo nơi nơi, cũng như là những thợ may cách tân đầm Tây thành váy ta… Tất cả những ký ức đó giờ đã biến mất, rồi chỉ còn lại những sự gấp gáp, để người viết văn giờ chỉ thở dài với một câu hỏi không lời đáp: “hồn ở đâu bây giờ?”.

Tuy vậy, bằng sự nhạy cảm của chính nhà văn, Nguyễn Việt Hà cũng tìm thấy những “Hà Nội tính” mà mình từng quen, dẫu cho không còn hữu hình, mà đã lui về là những tâm tính và sự nhạy cảm của người quan sát. Nhịp sống không còn những nơi “mắt phố” - “mắt người” giao nhau, để ta còn lưu chút ít sự kiện ngắm dòng người qua. Như Susan Sontag từng nói “chụp ảnh là giết người về mặt biểu tượng”, những hồi cố, những niềm quá vãng… giờ đang nẩy lộc trong lòng người thông qua chữ nghĩa, dẫu là chút ít nhưng mãi còn.

Đó chính là tiếng sấu rụng trong những đêm hè, là tiếng chuông chùa tang tảng sáng… Đó cũng là bát phở ngon, những tờ báo giấy và những rạp phim từng chở đi biết bao mơ mộng và thứ hormone của tuổi trưởng thành… Có thể nói ký ức loang loáng một trời sinh động vẫn sẽ tồn tại mà không cần thêm các chủ thể mới, bởi một thành phố khi tự biết nhớ thì không bao giờ có thể mất đi.

Mỗi một nhà văn đều có vùng địa - văn hóa của bản thân mình. Với Nguyễn Việt Hà, đó là Hà Nội mà ông chẳng thể rời xa quá lâu. Dường như tất cả hồn phố đã hòa vào ông, để những hỗn mang và sự giao hòa của nhiều khía cạnh đi vào văn chương, từ đó làm nên cuốn tạp văn này. “Tạp” cũng như là đô thị ấy, vừa hư cấu vừa “non-fiction”, vừa bông lơn - giễu cợt lại vừa trầm ngâm, suy ngẫm...

Bởi lẽ viết văn cũng chính là viết cho mình, nên với Nguyễn Việt Hà “văn học là tình. Tình động thì tâm động. Tâm động thì chữ sinh. Chữ sinh thì tác phẩm thành”. Tạp văn của ông không chỉ có tính hiện thực, mà cũng đong đầy cảm xúc khác nhau, từ đó tái hiện một Hà Nội qua bao dâu bể. Từ lắng đến đọng, những mảnh hồn phố tìm về với nhau để tạo nên bức tranh khảm về giọng của phố vẫn còn thoảng nghe mỗi đêm đưa về.

Hoang mang ở phố

Trong văn học phố, nếu Đỗ Phấn như “cao bồi già” muốn rứt ruột từ Hà Nội đi ra, Lê Minh Hà như “thiếu phụ cồn cào” bị ám ảnh cũ quay lại, thì Nguyễn Việt Hà dường như ở giữa hai thể trạng đó. Tản văn của ông xuất phát từ ngọn lửa yêu Hà Nội, nhưng sau khi đã kết tinh dưới dạng từ ngữ, nó lại đi ra bằng nhiều cảm xúc. Đó là đặc trưng của Nguyễn Việt Hà trong cách nhìn, cách nhớ và cách phản ánh vấn đề. Mỗi một cấu phần đều bắt nguồn từ những nét thuần nhị, và rồi chuyển sang một sự tiệm cận cùng với thời đại, khi ở đó những hỗn mang, ô trọc… đã ngày càng khiến thị dân và đời đô thị dường như đổi khác.

Ở đó ta sẽ thấy lại những cách “giả cầy”, “thấu cáy”, “buông mặn ăn chay” chỉ để làm màu và thêm phong vị cho những cuộc vui. Từ những quán phở đặc sắc gia truyền, giờ chỉ còn lại la liệt bảng hiệu Top 1, Top 2 quán ăn ngon nhất, với những chuyên gia phê bình “mới nổi” thử qua ngày một ngày hai… Vẫn là những nét bông lơn, Nguyễn Việt Hà tiếp tục nói về trọc phú và những con người danh lợi toàn vẹn nhưng lại trống rỗng bên trong.

Tính cách, tấm lòng của họ cũng như những món mỹ ký nhờ nhờ bàng bạc. Trở nên giàu có chỉ sau một đêm, họ có cuộc đời mà bản thân mình cũng không thể biết là từ đâu đến. Giàu lên dễ dàng cũng dẫn đến chuyện a dua, đua đòi chạy theo các mốt. Đối lập với họ là giới thượng lưu thuần Việt - “đặc sản” của thời “gió Âu mưa Á”, mà chính tác giả cũng có lúc gọi là “người giữ lửa Hà Nội”. Cái “sang” của thế hệ ấy là không học được, mà là trầm tích của sự từng trải theo cách thuần thành và tự nhiên nhất.

Giờ đây họ đã là “loài quý hiếm” gần như “tuyệt chủng”, và phải vài ba thế hệ thì mới có lại được lớp người ấy. Kế vị liền họ ngay thời bây giờ là giới công chức mà Nguyễn Việt Hà cũng từng thuộc về trong 20 năm làm ngành ngân hàng, với sự sâu sắc nhàn nhạt, chỉn chu sạch sẽ và tất cả mọi thứ có vẻ bằng bằng...

Và như nhận định của chính tác giả: “Hà Nội vốn mênh mông nên ai cũng có một thứ Hà Nội của riêng chính mình”, do đó với văn nghệ sĩ, dường như trong họ là nỗi cô độc không thể phá vỡ của cõi tạo tác và cả giá trị thị trường giờ được cân đo. Đó còn là những gương mặt để lại ấn tượng cho riêng nhà văn, từ “kỳ nữ phố” hát nhạc Trịnh viết về phố Huế mà lại nghe ra phố phường Hà Nội, cho đến vị nữ văn sĩ có phần “đanh đá” cũng như ký ức về những người mẹ tảo tần nuôi con…

Với Nguyễn Việt Hà “văn minh chỉ là chuyện “cần”, văn hóa mới là sinh tử”, cho nên hầu hết những sự đổi mới đi theo tiến trình hướng đến văn minh dường như chỉ là vỏ ngoài và là hiển hiện cho thời “chạm đáy”, sau khi đã có những “đỉnh cao” lớn. Vỉa hè dung dưỡng tuổi thơ giờ thì nhốn nháo, dung tục, quyết liệt thị trường… với các mặt tiền nồng mùi tính toán. Làng là hồn Việt cũng bị “thực bào” trong nhịp phát triển. “Mắt phố” là những hàng quán ngồi lê đôi mách, những nơi buôn chuyện… giờ cũng chỉ còn smartphone, facebook không thể khác đi.

Tuy vậy như Đức Phật nói “một bàn tay lành ngâm trong thuốc độc sẽ không bao giờ bị nhiễm”, báu vật đúng nghĩa luôn là thứ bất khả đổi thay và sẽ ở đúng với người mà nó xứng đáng. Cho nên dù những đổi thay có theo kịp bước, thì “Hà Nội tính” mãi còn đó trong những lễ lạt đậm đà hồn phố, và những người vẫn muốn giữ lại phong vị xưa.

*

Bởi lẽ “Giọng của phố còn thì Hà Nội còn. Một nghìn năm trước đã vậy và cả nghìn năm sau vẫn vậy”, cho nên tạp văn của Nguyễn Việt Hà là những ám ảnh tinh tế, những nỗi niềm sâu thẳm… về một đô thị đã đi qua hết biết bao biến động và giờ thoi thóp giữa thời hiện đại. Dẫu những tiếng vọng giờ đã mong manh nghe chừng sắp mất, thế nhưng trong sự tịch lặng của cõi lòng người, ta vẫn sẽ nghe lại những tàn âm ở trong chính mình, thanh lịch, dịu dàng và đầy nhắc nhớ.

Nguyễn Việt Hà (sinh 1962) là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam đương đại. Năm 1999 khi tiểu thuyết Cơ hội của Chúa xuất hiện sau một số truyện ngắn in báo, Nguyễn Việt Hà đã gây ấn tượng mạnh trên văn đàn.

Sau đó anh tiếp tục gây chú ý khi ra mắt các tiểu thuyết: Khải huyền muộn (2003), Ba ngôi của người (2014), Thị dân tiểu thuyết (2020)….; các tập truyện ngắn: Của rơi (2004), Buổi chiều ngồi hát (2016)…; các tập tản văn: Nhà văn thì chơi với ai (2005), Mặt của đàn ông (2008), Đàn bà uống rượu (2010), Con giai phố cổ (2013); Giọng của phố (tạp văn, 2023)…

Tác phẩm của Nguyễn Việt Hà được dịch in trong một số tuyển tập giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, trong đó Cơ hội của Chúa đã dịch sang tiếng Pháp năm 2013.

By: Nguồn baomoi.com

Giọng của phố: Trong tịch lặng lắng nghe - Đời Sống