Làng chài lên cạn
Khu tái định cư dành cho người dân vạn chài xã Thiệu Vũ, nhìn từ trên cao như một dãy phố mớiLàng như phố
28 căn nhà mới nằm san sát nhau, được xây dựng theo một mẫu thiết kế nằm dọc theo con đường mới vừa thảm nhựa. Nhìn từ trên cao, khu tái định cư của người dân chài xã Thiệu Vũ (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) trông giống một khu phố mới. Tất cả các căn nhà đều được gắn tên đường, số nhà; hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ từ điện chiếu sáng, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thoát nước, vỉa hè, cây xanh…
82 tuổi, lần đầu tiên trong đời, bà Nguyễn Thị Giao mới biết đến cảm giác ngủ trong ngôi nhà mới. Gần trọn cuộc đời theo chồng con lênh đênh trên sông, mưu sinh bằng nghề chài lưới, bà không ngờ lại có lúc… lên bờ. Ông bà có 7 người con, tất cả các con, các cháu đều sinh ra dưới thuyền, sống mưu sinh dọc sông Chu, từ Thọ Xuân đến Thiệu Hóa.
Nơi sinh sống mới của bà Giao và 28 hộ gia đình có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, chuẩn tiêu chí khu dân cư nông thôn mới
Thắng, cháu nội bà Giao, 13 tuổi nhưng năm nay mới lên lớp 6 nói, lên bờ thích hơn dưới nước bởi được đá bóng. Cậu khoe 5 năm học, năm nào cũng được giấy khen học sinh tiên tiến. Năm nay, lên cấp 2, lên bờ sống, chuyển về trường mới, Thắng sẽ cố gắng hơn để đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Ngôi nhà của bà cháu Thắng vừa hoàn thành, còn phảng phất mùi vôi vữa. Đồ dùng trong nhà đều được mua sắm mới. Thắng bắt đầu làm quen với tủ lạnh, quạt trần và nhiều đồ dùng mới khác. Ngoài cổng, cờ tổ quốc phấp phới bay, nối thành hàng dài đỏ thắm. Nhà bên tiếng nhạc xập xình nhiều bài hát vui nhộn.
Bà Nguyễn Thị Giao, 82 tuổi không ngờ gần trọn cuộc đời lênh đênh sông nước lại có lúc... lên bờ
Hàng xóm nhà bà Giao, anh Nguyễn Văn Đức, 40 tuổi cũng vừa “lên cạn”. Cuộc sống mới còn nhiều bỡ ngỡ nhưng được nhà nước hỗ trợ đất và kinh phí, ngôi nhà anh vừa hoàn thành hết hơn 200 triệu đồng. Anh Đức nói, trước mắt vẫn sẽ tiếp tục nghề sông nước nhưng tới đây sẽ tìm nghề mới phù hợp với cuộc sống mới.
Nhà anh Đức và bà Giao là 2 trong số 28 ngôi nhà vừa hoàn thành thuộc chương trình hỗ trợ xây nhà cho đồng bào công giáo nghèo sinh sống trên sông của Tỉnh ủy Thanh Hóa. Sau hơn 1 năm vận động, triển khai thực hiện, tháng 4/2023, huyện Thiệu Hóa đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ với diện tích hơn 1 hec-ta, đáp ứng được tiêu chí nông thôn mới nâng cao và tiêu chí hạ tầng quy hoạch đô thị, đồng thời giao đất cho các hộ để xây dựng nhà ở, với diện tích mỗi hộ từ 100 đến 153m2.
Ngoài việc được cấp đất, mỗi hộ gia đình còn được hỗ trợ 150 triệu đồng để xây nhà mới để ổn định cuộc sống lâu dài. Từ giữa tháng 8, 28 căn nhà mới đã cơ bản hoàn thành, các hộ dân đã dọn vào ở, bắt đầu hành trình lên bờ, chuẩn bị cho một cuộc sống mới.
Mỗi hộ được cấp đất và hỗ trợ 150 triệu đồng để xây nhà ở mới theo một mẫu thiết kế chungTrăn trở tìm kế sinh nhai
Vừa rít thuốc lào vừa chỉ huy nhóm thợ đang hoàn thành nốt chiếc cổng sắt, ông Nguyễn Văn Mười, 65 tuổi kể, nhà ông có nhiều đời bám dọc sông Chu giăng lưới bắt cá.
“Bố mẹ tôi sinh được 11 người con, đúng bằng 1 đội bóng đá bây giờ, tôi là thứ mười. Cả nhà mấy thế hệ sống dưới thuyền. Cưới xin, ma chay, lễ lạt đều diễn ra trên sông. Đến thời của tôi, con tôi, cháu tôi vẫn vậy, sống lâu thành quen nên khi nhà nước có chủ trương hỗ trợ lên bờ, dù vui nhưng cũng bỡ ngỡ”, ông Mười chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Mười nói, địa phương đang tìm công việc đan lát phù hợp với người cao tuổi
Bà Ngân, vợ ông Mười nói, đêm đầu tiên lên cạn không ngủ được. Phần vì đã quen với “mùi” sông nước, phần vì lo lắng tương lai cuộc sống mới.
“Nếu không có sự quan tâm của nhà nước, không biết đến bao giờ chúng tôi mới hết phận lênh đênh. Nghề sông nước rất nguy hiểm, nhất là những khi lụt bão. Giờ có chỗ an cư, gia đình yên tâm về chỗ ở nhưng lại cũng lo lắng rồi sẽ làm gì để sống do chưa có tìm được nghề mới”, bà Ngân băn khoăn.
Chỉ vào đứa cháu trai 13 tuổi nhưng học lớp 1 thì bỏ giữa chừng, bà Ngân nói cháu mình giờ chưa biết chữ nên hằng ngày vẫn theo ông xuống thuyền kiếm cá.
“Sáng nay 2 ông cháu về tay không. Chài lưới bây giờ cũng khó khăn lắm chú ạ”, bà Ngân than vãn đồng thời cho biết, bố mẹ các cháu đi làm ăn xa, gia đình còn một cháu gái 14 tuổi, hiện đã bỏ học đi làm phụ may cho một công ty tại địa phương do chưa đến tuổi lao động nên chưa được nhận làm chính thức.
Ông Mười và bà Ngân vẫn trăn trở tìm kế sinh nhai sau khi có nhà mớiKhông để người dân lên bờ “mắc cạn”
Chủ tịch UBND xã Thiệu Vũ Phạm Mạnh Toàn cho biết, việc giải bản tàu thuyền và tìm hướng sinh kế mới cho người dân vạn chài khi lên bờ luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Do tập quán sinh hoạt, làm việc lâu năm dưới sông nước nên khi bắt đầu cuộc sống mới, bà con còn nhiều bỡ ngỡ.
“Nếu là lao động phổ thông thuần túy thì không gặp trở ngại nhiều nhưng một số công việc, ngành nghề yêu cầu về trình độ văn hóa thì bà con gặp khó. Chúng tôi đã rà soát số người trong độ tuổi lao động trên tổng số 118 nhân khẩu, căn cứ vào nhu cầu của người dân, tổ chức các hội nghị tham vấn việc làm, giúp cho bà con tìm kiếm công việc mới.
Một số doanh nghiệp tại địa phương sẵn sàng bố trí công việc phù hợp cho bà con. Đối với người cao tuổi, địa phương kết nối, tìm việc làm tại các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Về lâu dài chúng tôi cũng sẽ tính toán đến việc liên kết giúp người dân đi xuất khẩu lao động”, ông Toàn nói.
Về vấn đề giải bản tàu thuyền, ông Toàn cho hay, đến nay cũng đã có một số hộ thực hiện nhưng do đây là tài sản lớn của dân nên cần phải có quá trình, gắn với việc tìm công việc mới để họ yên tâm.
Chưa có nhiều người tìm kiếm được công việc mới sau khi lên bờ
Ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho hay, khi chọn vị trí khu tái định cư cho các hộ dân chài, địa phương đã bố trí ở khu vực trung tâm xã, gần trường học, gần chợ, gần trạm y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể, giúp bà con nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới.
“Huyện cũng đã có kế hoạch chuyển đổi nghề cho bà con, trước mắt là động viên các hộ gia đình giải bản tàu thuyền. Đối với người trong độ tuổi lao động, huyện đã liên hệ với các nhà máy may trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân học nghề, có việc làm để có thu nhập ổn định. Các cháu học sinh cũng được chuyển trường về gần nhà để thuận tiện cho việc học hành. Thời gian tới địa phương sẽ làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người dân”, ông Thế Anh nói.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng thăm các gia đình tại khu tái định cư thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ
Ngày 14/8, Thiệu Hóa là địa phương đầu tiên tại Thanh Hóa tổ chức lễ hoàn thành kế hoạch hỗ trợ kinh phí, xây dựng xong nhà ở cho đồng bào công giáo nghèo sinh sống trên sông.
Tham dự lễ bàn giao nhà, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các địa phương có đồng bào sinh sống trên sông khẩn trương hoàn thành việc cấp đất, hỗ trợ kinh phí và xây dựng nhà ở để nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Ông Hưng đề nghị bà con sau khi lên bờ, ổn định cuộc sống, nhanh chóng giải bản tàu bè, tích cực tham gia sản xuất, chăm lo cuộc sống gia đình, nhất là việc học hành của con em, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương.
Chính quyền địa phương, các cấp, các ngành cần nghiên cứu tạo sinh kế lâu dài cho bà con, rà soát, phân loại đối tượng trong độ tuổi lao động để tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm phù hợp.
Quang Duy
By: Nguồn giadinhonline.vn