Phụ nữ càng có vị thế, đàn ông càng bị tổn thương nhiều?
"Nếu so sánh với xã hội phong kiến thì vai trò của người đàn ông đã thay đổi rất nhiều. Họ không còn giữ vai trò trụ cột, quyết đáp trong gia đình hay ngoài xã hội như xưa”, PGS.TS Hoài Lê đặt ra vấn đề.
Nhiều vấn đề được các nhà nghiên cứu nêu ra trong hội thảo Biến đổi gia đình và giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21 diễn ra ngày 14/11 do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức.
Trong báo cáo nghiên cứu Sự biến đổi của gia đình và những thách thức đặt ra đối với gia đình Việt Nam hiện nay, TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Viện Nghiên cứu Thanh niên) nêu lên một thực tế: Bình đẳng giới và tính dân chủ trong các gia đình hiện đại ngày càng được cải thiện và tôn trọng. “Địa vị người phụ nữ trong gia đình được nâng lên. Ngày nay, cả người chồng và người vợ đều là lao động chính, đều là chủ gia đình, cùng chăm lo giáo dục con và giải quyết công việc gia đình.
Nhìn chung, cùng với đời sống kinh tế gia đình được ổn định và cải thiện thì mối quan hệ đối xử bình đẳng giữa vợ và chồng đang tăng lên, đặc biệt tỷ lệ phụ nữ tham gia quyết định các công việc quan trọng của gia đình như sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ngày càng cao”. Do vai trò trong gia đình ngày càng tăng nên người chồng trong gia đình hiện đại đã có sự san sẻ, hỗ trợ nhiều hơn với người vợ trong công việc nội trợ và nuôi dạy con cái.
Đồng tình với ý kiến này,PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê (Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người) cho rằng, ở cấp độ cá nhân, vai trò của từng cá nhân trong gia đình cũng đã thay đổi theo nhiều chiều hướng, trong đó có những chiều hướng tích cực. “Mỗi cá nhân đều tự nhận thức được tốt hơn về sự biến đổi của xã hội xung quanh mình để bản thân mỗi thành viên trong gia đình cũng cố gắng hoà nhập với nhau một cách tốt hơn. Kể cả ở nông thôn, chúng tôi cũng nhận thấy từng thành viên trong gia đình cũng ít còn giữ những quan niệm có thể coi là không còn phù hợp khi xã hội nông thôn cũng hiện đại hơn, thông tin đến với người dân được tốt hơn”.
Bà lấy dẫn chứng: Trong nhiều gia đình hiện nay, ngay cả thế hệ ông bà cũng đã thay đổi tư duy về việc chung sống với thế hệ con cháu. Với nhiều gia đình thành thị, khi nghỉ hưu, nhiều ông bà thấy không nhất thiết cần sống chung với con cháu nữa. Họ muốn sống độc lập vì bản thân họ cảm thấy cuộc sống sẽ chủ động hơn, vui vẻ hơn mà không cần phụ thuộc vào con cháu đang bận bịu học hành, công tác.
Chất lượng sống của người cao tuổi hiện nay cũng đã cao hơn mà không hẳn do họ có điều kiện tốt về tài chính. Hay xã hội cũng có những nhìn nhận khác về việc người già có thể hay không thể làm được việc này, việc kia như trước đây".
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê (Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người) đặt vấn đề: Đàn ông có bị tổn thuơng nhiều hơn trong xã hội hiện đại?
PGS.TS Hoài Lê cũng đặt ra một vấn đề thú vị, khơi gợi một chủ đề nghiên cứu mới, đó là sự tổn thương của người đàn ông trong xã hội hiện đại. “Rõ ràng, nếu so sánh với xã hội phong kiến thì vai trò của người đàn ông đã thay đổi rất nhiều. Họ không còn giữ vai trò trụ cột, quyết đáp trong gia đình hay ngoài xã hội như xưa”.
“Xã hội hiện đại đã làm cho người phụ nữ trở nên độc lập hơn, tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe và tôn trọng hơn. Và bản thân điều đó "chạm đến" vai trò trụ cột gia đình của người đàn ông. Những cuộc ly hôn, sự mâu thuẫn trong mối quan hệ vợ chồng đôi khi chỉ vì người đàn ông cảm thấy trong gia đình, mình không được tôn trọng và ngưỡng mộ giống như họ có thể đã được nhận ngoài xã hội. Ngay trong gia đình tôi, các con cũng nhìn nhận mẹ có một vai trò rất lớn trong nhà, không chỉ đơn giản là người phụ nữ với vai trò lo chuyện cơm nước thường ngày nữa”.
“Cho nên, tôi nghĩ rằng vai trò của mỗi cá nhân trong gia đình đều thay đổi rất mạnh. Nhưng sự thay đổi này liệu có song hành với sự tiến bộ trong mối quan hệ gia đình hay không? Đó là một câu hỏi được đặt ra, cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn của các nhà khoa học”.
Liên hệ với chủ đề này, PGS.TS Hoài Lê cho rằng, việc đánh giá chất lượng sống và cảm nhận hạnh phúc của con người cũng cần có các nghiên cứu nghiêm túc, khi gia đình vẫn là hạt nhân của chất lượng sống, nhất là khi gần đây, khái niệm hạnh phúc chủ quan đã được nhiều nghiên cứu đề cập đến.
Trong nghiên cứu của mình, TS Quỳnh Hoa cũng nêu lên thực tế: Mặc dù tính dân chủ góp phần giúp gia đình phát triển, song xu hướng quá đề cao dân chủ, đề cao giải phóng cá nhân, tự do cá nhân cũng chứa đựng những nguy cơ khiến gia đình hiện đại dễ bị đổ vỡ, tỷ lệ ly hôn tăng… Đó cũng là một thách thức đối với chính bản thân gia đình và xã hội hiện nay.
Ở một khía cạnh khác, một số đại biểu cho rằng việc phân công lao động trong gia đình phần lớn vẫn dựa trên yếu tố giới – tức là lao động nội trợ vẫn được đảm nhận chủ yếu bởi người phụ nữ. Điều này khiến phụ nữ ít nhiều bị hạn chế trong việc phát triển sự nghiệp và các hoạt động xã hội khác.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về gia đình, phụ nữ và giới
TS Trần Thị Minh Phương (Trường ĐH Lao động - Xã hội) chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình khi từng từ chối cơ hội đi học tập ở nước ngoài vì lo con nhỏ không được chăm sóc chu đáo. Chị cho rằng đó là câu chuyện của nhiều phụ nữ vừa phải đi làm vừa phải đảm nhận nhiệm vụ chính trong việc chăm sóc con cái, chứ không của riêng một ai.
Theo chị, ngày nay, nhờ cơ hội tiếp cận với thông tin ngày một dễ dàng hơn, những người trẻ cũng nhìn vào các rào cản với những người phụ nữ xung quanh mình để đưa ra quyết định và lối sống cho riêng mình. “Con gái tôi năm nay 16 tuổi đã chia sẻ rằng sau này con không muốn lấy chồng. Vài ngày trước, báo chí đưa nhiều thông tin khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi. Nhưng trên thực tế, nhiều bạn trẻ mà tôi gặp cũng chia sẻ không muốn kết hôn”.
“Vì thế, tôi cho rằng muốn có chính sách tốt thì phải giải quyết cái gốc của vấn đề. Với các gia đình hiện nay, phần lớn mâu thuẫn xảy ra khi kinh tế gặp khó khăn. Khi có kinh tế đầy đủ rồi mới xảy ra những vấn đề khác”.
Bà Phương đề xuất nên có những chính sách hỗ trợ phụ nữ nhiều hơn nữa để họ vừa có cơ hội chăm sóc gia đình vừa có cơ hội làm việc. “Ví dụ như ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài người ta đã có phòng vắt sữa riêng. Hay bản thân tôi từng chứng kiến người Nhật quan tâm đến người lao động đến mức trước khi ký hợp đồng, họ đã hỏi một nữ công nhân rằng ‘chị có hạnh phúc không?’…”.
tin liên quan
Bình luận
By: Nguồn infonet.vietnamnet.vn