'Văn hóa vẫn là gốc rễ, không nên chạy theo tiền bạc mà quên mái ấm, tình làng'

Nov,21,2022 08:56:33

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, dù KT-XH phát triển đến đâu, văn hoá vẫn là gốc rễ của mọi vấn đề. Do vậy, trong thời buổi kinh tế thị trường, mỗi người không nên mải miết chạy theo tiền bạc mà quên đi mái ấm gia đình, tình làng nghĩa xóm.

 

LTS: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người là những vấn đề rất hệ trọng mà quốc gia nào cũng quan tâm xây dựng. Việc xác định hệ giá trị văn hóa Việt Nam là một công việc vô cùng khó khăn, tuy nhiên, khó hơn nữa là việc triển khai thực thi những giá trị đó trong đời sống thực tiễn.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.

PV VietNamNet phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Thưa ông, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chúng ta cần nhìn thẳng vào yếu kém, bất cập trong lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Đặc biệt là môi trường văn hóa bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Theo ông, những vấn đề này nếu không được khắc phục sớm sẽ gây hệ luỵ, tác động tiêu cực như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa?

- Xây dựng con người Việt Nam có văn hóa, tri thức, đạo đức là một trong những vấn đề quan trọng trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều câu chuyện đáng buồn về hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận người dân, cán bộ, công chức.

Cụ thể, đó là cách ứng xử giữa người thân trong gia đình cũng không còn như trước đây. Sự việc không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người cảm thấy đau lòng khi nghe tin 3 người con gái đổ xăng đốt nhà mẹ (ở Hưng Yên), chỉ vì mâu thuẫn trong chia đất. Điều đó cho thấy, nhiều người có thể bất chấp tất cả chỉ vì lợi ích trước mắt.

Tôi còn được biết nhiều học sinh mới 13-15 tuổi đã lập băng nhóm để đánh lộn lẫn nhau, lột cả quần áo đưa lên mạng xã hội.

'Văn hóa vẫn là gốc rễ, không nên chạy theo tiền bạc mà quên mái ấm, tình làng'

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Văn hóa ứng xử, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay cũng có những vấn đề đáng báo động. Vì vậy mới có bữa tiệc xa hoa khi chia tay vị Giám đốc CDC Quảng Ninh về hưu, khiến dư luận bức xúc vừa qua. Đáng buồn hơn đó là nhiều cán bộ vướng vào vòng lao lý trong vụ kit test Việt Á, chuyến bay giải cứu… khi cả nước gồng mình chống dịch.

Với hàng loạt vấn đề như vậy, theo tôi, nếu không nhìn thẳng vào yếu kém, bất cập trong lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục thì gây ra nhiều hệ luỵ, tác động tiêu cực như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình trong đó là những vụ việc đau lòng kể trên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu có nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn…”. Ông nghĩ thế nào về vai trò của văn hóa trong giai đoạn hiện nay qua phát biểu nhấn mạnh của Tổng Bí thư?

- Câu nói đó của Tổng Bí thư luôn văng vẳng trong đầu tôi và nhiều người. Nhắc nhở tôi nhận thức ra rằng, văn hóa là gốc rễ của mọi vấn đề. Do vậy, trong thời buổi kinh tế thị trường, mỗi con người không nên mải miết chạy theo tiền bạc mà quên đi mái ấm gia đình, tình làng nghĩa xóm, văn hóa công sở.

Cho nên, nếu văn hóa xuống cấp, đạo đức con người xuống cấp, thì xã hội sẽ bất ổn, dễ bị các thế lực thù đi xuyên tác, tác động tiêu cực đến các vấn đề của xã hội, đất nước. Do vậy, Tổng Bí thư mới nhấn mạnh “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn…”.

Như vậy, cũng có thể hiểu, dù nền kinh tế thị trường có phát triển đến đâu, đất nước giàu có đến cỡ nào đi nữa thì vẫn phải coi văn hóa là gốc của mọi vấn đề, từ nhận thức tư tưởng, cho đến phẩm chất chính trị, cách ứng xử giữa con người với con người.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, nhiều người chạy theo lợi ích trước mắt, nên không nhớ đến văn hóa là gốc rễ của mọi vấn đề, do vậy mới dẫn đến hàng loạt vụ việc ông đã nêu ra, đúng vậy không, thưa ông?

- Trong phát biểu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Tôi rất tâm đắc ý kiến đó của Tổng Bí thư. Bởi suy cho cùng sự giàu có về vật chất cũng chỉ là bề nổi bên ngoài mỗi người. Theo tôi, sự giàu có về tâm hồn, về trí thức mới là điều cốt lõi, quan trọng nhất trong mỗi chúng ta.

Cán bộ công chức là công bộc của nhân dân, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh việc phải xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhìn từ góc độ văn hóa, theo ông, cần phải làm gì để cán bộ thực sự là công bộc của nhân dân?

- Văn hóa công chức, công vụ và vấn đề nêu gương trong các cấp lãnh đạo là cực kỳ quan trọng. Bởi nếu cán bộ, công chức, đặc biệt là người có chức, có quyền, nếu không coi văn hoá là gốc, thì rất dễ bị đồng tiền mua chuộc, không thể kiểm soát được quyền lực.

Ngoài việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình, cán bộ, công chức phải được nhân dân tin yêu. Muốn vậy, cán bộ công chức phải chú trọng sự nêu gương, phải gương mẫu trong ứng xử với nhân dân, phải tận tâm phục vụ nhân dân.

Theo ông, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần phải làm gì?

- Tôi cho rằng các cấp ngành từ trung ương đến địa phương cần phải thực hiện tốt những chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc tháng 11/2021.

Chúng ta cũng cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho văn hóa, cả về đào tạo nhân lực làm về văn hóa, đến đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa.

Để làm được điều đó, theo tôi, các cấp ngành trong hệ thống chính trị cần phải vào cuộc. Từ đó, quan tâm chăm sóc, giáo dục mỗi thế hệ người dân Việt Nam luôn coi văn hóa là gốc rễ của mọi vấn đề. Khi văn hóa được coi trọng hơn trong mỗi cấp ngành, mỗi cán bộ, công chức và mỗi người dân Việt Nam, thì tiêu cực sẽ ít đi.

Những lúc khó khăn, giá trị văn hóa tốt đẹp phát huy mạnh mẽ

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong 35 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc.

Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực…

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới cho thấy, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn.

Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.

"Thực tiễn đã chứng minh, những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng", ông Hùng chia sẻ.

By: Nguồn vietnamnet.vn

'Văn hóa vẫn là gốc rễ, không nên chạy theo tiền bạc mà quên mái ấm, tình làng' - Tin Tức